Luật Đất đai sửa đổi - một dự án luật được nhìn nhận là rất khó, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật sáng 22/9.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật nhiệm kỳ này. Nếu làm tốt, đây là ví dụ sinh động cho việc thực hiện tốt chủ trương chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong xây dựng pháp luật.
“Tổng bí thư nói rồi, nhiều người giàu lên từ đất, nghèo đi cũng vì đất; tranh chấp khiếu nại vì đất đai, cạn tàu ráo máng với nhau cũng vì đất đai; tham nhũng từ đất đai, tù tội vì đất đai”, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại và lưu ý trách nhiệm của các cơ quan là rất lớn.
80% người dân đồng ý thì được thu hồi đất?
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều. Dự luật giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Một trong những điểm mới của dự thảo luật là quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất theo tính chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với các dự án được trên 80% người có đất thu hồi đồng ý.
Theo tờ trình của Chính phủ, đây là một trong những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Hai luồng ý kiến được Chính phủ báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, ở luồng ý kiến thứ nhất, đa số đồng ý với dự thảo. Theo Nghị quyết 18, Nhà nước chủ yếu thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Do đó, cần phải quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để thực hiện đấu giá, đấu thầu nhằm hạn chế tiếp cận đất đai không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Ở chiều ngược lại, có ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Theo quan điểm này, nên cho phép chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý quy định Nhà nước thu hồi đất với “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại” sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất.
“Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án”, ông Thanh nhấn mạnh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc đưa dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại thuộc dự án thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là không phù hợp.
Tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan
Cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Theo Ủy ban Kinh tế, cần làm rõ nội hàm của các trường hợp “thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng”. Đặc biệt, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị cân nhắc trường hợp “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý”.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.
“Trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở thương mại thì cần áp dụng cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, không đưa vào diện Nhà nước thu hồi đất”, theo quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn về trường hợp thu hồi đất các dự án được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý. “Còn 20% chưa đồng ý thì áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất, như vậy là không được. Dân sự là dân sự, hành chính là hành chính, không thể cộng vào để làm thu hồi đất”, theo ông Huệ, quy định như vậy là chung chung, không đúng tinh thần Hiến pháp và chủ trương của Trung ương.
Về giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh đây là việc khó nhất nên cần quy định trong luật làm sao để vận hành được. Khi đã quy định khung giá đất, cần làm rõ vai trò của HĐND địa phương thế nào, của các cơ quan tham mưu ra sao; định nghĩa thế nào về giá theo nguyên tắc thị trường…
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau một thời gian thực thi, Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi.
Tính đến nay, dự án luật này có 4 lần được “đưa vào, rút ra” vì luật khó, nhạy cảm, chuẩn bị chưa kỹ lưỡng. Theo dự kiến, Luật Đất đai sửa đổi được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới. Nếu đảm bảo điều kiện, luật này có thể được thông qua trong 3 kỳ họp (thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, diễn ra cuối năm 2023).